Trong guồng quay của luyện thi, điểm số và những tiêu chí “định lượng được”, việc học tiếng Anh ở Việt Nam đang dần trở thành một chuỗi thao tác kỹ thuật: nói cho đúng, viết cho chuẩn, đạt chuẩn đầu ra.
Ta học để vượt qua kỳ thi, để có chứng chỉ, để ghi điểm trên hồ sơ xin việc. Nhưng nếu không học để hiểu, ngôn ngữ sẽ trở thành vỏ rỗng, không chạm vào trải nghiệm sống, không mở ra tri thức mới.
Học một ngoại ngữ, là học một cách nhìn khác với chính mình
Tiếng Anh không chỉ dùng từ khác mà tư duy, cảm xúc, hệ giá trị cũng vận hành theo một logic khác. Học tiếng Anh là tiếp xúc với một thế giới song song, nơi mọi điều quen thuộc bỗng trở nên lạ lẫm và đáng suy ngẫm.
Người học sâu không chỉ hỏi: “Câu này đúng ngữ pháp chưa?” mà tự chất vấn: “Vì sao người Anh dùng thì hiện tại hoàn thành để kể lại trải nghiệm còn tiếng Việt thì không?”
Họ không chỉ tra từ “empathy” (thấu cảm) trong từ điển mà truy tìm chính trong đời sống mình: Lúc nào mình đã thực sự sống cùng một nỗi niềm không phải của mình?
Tiếng Anh – nếu học sâu – là một cách mở khóa bản thể
Mỗi dòng viết, mỗi câu nói trở thành tấm gương soi chiếu:
- Mình đã hiểu điều mình nói đến đâu?
- Mình có thể nói điều đó theo một cách khác – rõ hơn, sâu hơn, thật hơn?
- Mình đã bước được bao xa trong việc kết nối và thuyết phục người khác bằng ngôn ngữ của họ?
Khi học sâu, tiếng Anh không còn là kỹ năng mà là hành trình khai phá chính mình.
Và khi một đứa trẻ có thể nói: “I feel uncertain about who I want to become” (con không chắc mình có thể trở thành ai đó trong tương lai) – đó không còn là một mẫu câu tiếng Anh. Đó là cuộc trò chuyện đầu tiên với bản ngã.
Giáo dục phương Tây – học để tự do. Giáo dục phương Đông – học cho đủ
Khác biệt không nằm ở chương trình học, mà ở triết lý giáo dục.
Phương Tây khuyến khích “học để hiểu – để chất vấn – để khởi đầu lại từ nghi ngờ”. Tri thức không phải là đích đến mà là cửa ngõ của tự do cá nhân.
Trong khi đó, nhiều xã hội Á Đông – như Việt Nam – lại xem việc học như một lộ trình phải hoàn tất: học để vượt, học để đạt, học để tiến thân. Tri thức bị biến thành chứng chỉ chứ không phải tiến trình phát triển sống động của tâm trí.
Ở phương Tây, học sâu là quyền được sai, được hỏi lại, được tranh luận. Ở phương Đông, học sâu nhiều khi bị che mờ bởi nỗi sợ: sợ chậm, sợ sai, sợ thua kém, sợ bị đánh giá.
Khi một bên hỏi: “Hôm nay con thấy điều gì thú vị?” thì bên kia hỏi: “Con được mấy điểm?”
Vì thế, phương Đông cần một cuộc “giải phóng tinh thần học”, để từ đó, con trẻ được quyền học sâu chứ không bị cuốn vào học nhiều.
Học sâu là một cách sống, không phải một chiến thuật
Ta không thể nói đến một nền giáo dục bền vững nếu không trả lại chiều sâu cho việc học. Không thể nói đến hội nhập nếu tiếng Anh chỉ là kỹ năng giao tiếp, chứ không phải là cây cầu của nhận thức.
Thế hệ Alpha không cần được dạy nhiều hơn. Chúng cần người lớn đủ dũng cảm dạy ít lại nhưng đủ sâu, đủ thật, và đủ lâu để điều đó chạm đến tâm hồn.
Bởi học, không phải để thắng ai mà để không đánh mất chính mình, giữa một thế giới luôn đầy biến động.